Chỉ hơn một tuần sau khi ra chiếc Redmi Pro, hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi lại tiếp tục trình làng Redmi Note 4, bản nâng cấp của Redmi Note 3. So với thế hệ cũ, Redmi Note 4 đã được cải thiện khá nhiều về thiết kế và cấu hình của sản phẩm.
Xiaomi Redmi Note 4 hiện đã có mặt tại Việt Nam dưới dạng hàng xách tay với cả hai phiên bản RAM 2GB/bộ nhớ trong 16GB và RAM 3GB/bộ nhớ trong 64GB. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá này là phiên bản RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá bán 3,39 triệu đồng, rẻ hơn trên 1 triệu đồng so với bản RAM 3GB/bộ nhớ 64GB (4,45 triệu đồng).
Ngoài khác biệt về RAM và bộ nhớ, các cấu hình còn lại của cả hai phiên bản đều giống nhau và có thể nói là rất ấn tượng so với mức giá, đúng như truyền thống lâu nay của Xiaomi. Cụ thể, máy có màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải Full-HD, vi xử lý MediaTek Helio X20 10 lõi (2 lõi Cortex A72 tốc độ 2.1GHz, 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.8GHz và 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.4GHz), camera chính 13MP khẩu f/2.0 hỗ trợ lấy nét pha và camera phụ 5MP, viên pin 4100 mAh, hai khe cắm SIM trong đó một khe cắm dùng chung với thẻ nhớ.
Thiết kế
Thiết kế là điểm có nhiều thay đổi rõ rệt nhất trên Redmi Note 4 so với thế hệ cũ. Redmi Note 4 có toàn thân là kim loại với các đường phay vát kim cương trông bóng bẩy và khoẻ khoắn tương tự chiếc Redmi Pro gần đây. Trong khi đó, thân kim loại của Redmi Note 3 không có đường phay kim cương và vẫn có hai dải nhựa ở mặt lưng. Các đường phay vát kim cương trên Redmi Note 4 khá mịn, không có cảm giác sắc và gai tay nhiều như chiếc Redmi Pro. Phần mặt lưng cũng được gia công mịn, bám tay hơn so mặt lưng của chiếc Redmi Pro.
Loa thoại của Redmi Note 4 được đưa xuống cạnh đáy. Phía dưới cạnh đáy có hai dải loa nhưng chỉ có dải loa bên phải là loa ngoài, còn dải bên trái chỉ đóng vai trò thẩm mỹ, tạo sự cân đối trong thiết kế. Ngoài hai điểm thay đổi trên, các yếu tố còn lại trên Redmi Note 4 vẫn giống với thế hệ cũ: từ vị trí của camera sau, cảm biến vân tay đến các phím nguồn, âm lượng cũng như khe cắm thẻ nhớ/hai SIM.
Redmi Note 4 có các đường phay vát kim cương, khiến sản phẩm khoẻ khoắn và cao cấp hơn thế hệ cũ
Dải loa ngoài thực sự nằm ở bên phải, còn dải bên trái chỉ tạo sự cân đối trong thiết kế
Đỉnh máy có giắc âm thanh và cổng hồng ngoại ở giữa để điều khiển các thiết bị gia dụng từ xa
Phím nguồn và âm lượng ở cạnh phải
Cạnh trái có 2 khe cắm SIM: một khay cắm SIM chuẩn Micro và khay còn lại là khay đa năng, có thể cắm SIM Nano hoặc thẻ nhớ ngoài.
Phía trên mặt trước có camera tự sướng và cảm biến tiệm cận
Các phím điều hướng cơ bản (đa nhiệm, home và back) nằm trên viền
Giống các sản phẩm khác của Xiaomi, hộp máy của Redmi Note 4 chỉ có củ sạc 5V/2A và cáp USB, không có tai nghe.
Có thể nói những thay đổi thiết kế đã làm cho Redmi Note 4 “lên vài chân kính” so với thế hệ cũ và vượt trội hơn hẳn so với những điện thoại ở cùng tầm giá hiện nay. Độ hoàn thiện của sản phẩm cũng khá tốt, các cổng phím bấm có độ nảy và các đường ghép nối trên máy ăn khớp với nhau khít. Viền màn hình cũng được tối ưu tốt nếu xét trong tầm giá với tỷ lệ màn hình/khung máy đạt tới 72,7%. Tuy vậy, đường phay kim cương có vẻ sẽ là vị trí dễ xước nếu không sử dụng vỏ bảo vệ và thân máy hơi dày (8,4mm) so với các smartphone hiện nay.
Màn hình
Redmi Note 4 vẫn duy trì màn hình IPS LCD 5.5 inch độ phân giải Full-HD giống với thế hệ cũ. Tuy vậy, chất lượng hiển thị đã được cải thiện rõ rệt so với Redmi Note 3, màu sắc sống động hơn nhiều do màu đen sâu hơn và độ tương phản cao hơn. Màn hình của Redmi Note 4 có góc nhìn khá rộng và có khả năng nhìn ngoài trời rõ ràng.
Màn hình của Redmi Note 4 có 3 chế độ hiển thị quen thuộc trên các máy Xiaomi gồm: chế độ tối ưu độ tương phản (Automatic contrast), chế độ tăng cường độ tương phản (increased contrast) và chế độ tiêu chuẩn (standard). Mặc định máy được đặt chế độ tối ưu độ tương phản (Automatic contrast) có độ tương phản cao hơn và màu đen sâu hơn 2 chế độ còn lại, nên có màu sắc sống động nhất; còn chế độ tiêu chuẩn hiển thị màu sắc tự nhiên hơn cả song nhạt nhoà hơn do màu đen và độ tương phản thấp hơn.
Khi đo trên thiết bị đo chuyên dụng, màn hình của Redmi Note 4 có độ sáng tối đa khá cao, khả năng hiển thị màu đen sâu và độ tương phản cao. Tuy vậy, do màn hình được chỉnh theo hướng đậm để nịnh mắt giống với màn hình AMOLED nên độ chuẩn màu của Redmi Note 4 lại kém hơn thế hệ cũ.
Bảng đo màn hình của Redmi Note 4 ở hai chế độ tối ưu độ tương phản và tiêu chuẩn so với các máy cùng tầm giá.
Ở chế độ Tối ưu độ tương phản, các màu cơ bản bị lệch khá nhiều so với màu tiêu chuẩn (vị trí ô vuông là màu tiêu chuẩn, còn chấm tròn là màu máy hiển thị).
Phần mềm
Redmi Note 4 được cài sẵn phiên bản MIUI 8 tuỳ biến dựa trên phiên bản Android 6 ngay từ khi xuất xưởng. Tuy nhiên do mới chỉ bán ở thị trường Trung Quốc nên điện thoại này chưa có phiên bản MIUI 8 quốc tế. Phiên bản MIUI 8 trên Redmi Note 4 hiện nay là bản dành cho thị trường Trung Quốc chỉ có tiếng Trung và tiếng Anh, không hỗ trợ tiếng Việt cũng như các ứng dụng mặc định của Google. Các ứng dụng và dịch vụ của Google có thể cài từ nguồn file .apk song tiếng Việt phải chờ tới khi có bản ROM quốc tế, thường thì sau khoảng 1-2 tháng.
So với MIUI 7 thì bản MIUI 8 đã thay đổi nhiều về giao diện từ thanh thông báo trạng thái, giao diện cuộc gọi và một số ứng dụng như Ghi chú, Thời tiết, và Thư viện, Quét mã và có thêm nhiều tính năng hay hơn. Một số tính năng phần mềm thú vị có thể kể như “trợ năng”, là nút tròn cho phép tích hợp phím thao tác nhanh hoặc lối tắt vào các ứng dụng; các cử chỉ như chạm 2 lần để bật màn hình, vuốt 3 ngón tay để chụp ảnh màn hình hoặc trình nghe nhạc còn có hiện lời bài hát chạy như karaoke (nhưng tính năng này chỉ hỗ trợ cho bản ROM nội địa).
Cảm biến vân tay mặt lưng của Redmi Note 4 ngoài tính năng mở khóa màn hình còn dùng để mở khóa ứng dụng, đem lại độ bảo mật cao hơn. Độ nhạy của cảm biến rất tốt, gần như đưa tay vào là nhận luôn nhưng cách thiết kế cảm biến dạng tròn vẫn làm việc thao tác đôi khi bất tiện.
Hiệu năng
Redmi Note 4 được trang bị vi xử lý Helio X20 10 lõi (2 lõi Cortex A72 tốc độ 2.1GHz, 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.8GHz và 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.4GHz), nhân đồ hoạ Mali T880 MP4, RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB (còn trống khoảng 10GB dành cho người dùng). Đây là smartphone thứ hai của Xiaomi sử dụng vi xử lý Helio X20 của Mediatek sau chiếc Redmi Pro.
Helio X20 là dòng chip cạnh tranh với Snapdragon 650 của Qualcomm. Trong các thử nghiệm đo hiệu năng, khả năng xử lý của CPU trên Helio X20 nhỉnh hơn chút so với CPU trên Snapdragon 650 song hiệu năng đồ hoạ GPU Mali-T880 MP4 lại kém hơn so với GPU Adreno 510. Việc đưa vi xử lý tầm trung vào sản phẩm tầm giá rẻ trên 3 triệu đồng phải nói là nỗ lực đáng kể của Xiaomi để cải thiện hiệu năng cho sản phẩm. Điều này thể hiện rất rõ trên các phần mềm đo hiệu năng thì Redmi Note 4 đều vượt trội so với các điện thoại ở cùng tầm giá, đặc biệt là ở khả năng xử lý tổng thể (điểm Antutu) và khả năng xử lý của CPU (điểm GeekBench 3.0).
Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị
GeekBench 3.0 đánh giá hiệu năng xử lý của CPU
Bài test Manhattan trên GFXBench đánh giá khả năng xử lý của GPU ở độ phân giải gốc của màn hình và độ phân giải Full-HD.
Trong sử dụng thực tế, Redmi Note 4 mang lại trải nghiệm nhanh nhẹn trong mọi thao tác từ đóng mở ứng dụng đến các thao tác di chuyển trên giao diện. Mặc dù là smartphone giá rẻ song trải nghiệm chơi game (kể cả những game nặng như N.O.V.A 3 hay Dead Trigger 2) trên chiếc điện thoại tầm trung này vẫn ở mức khá, không bị giật, lag ở mức thiết lập trung bình.
Camera
Redmi Note 4 sử dụng camera sau độ phân giải 13MP khẩu f/2.0, hỗ trợ lấy nét pha và đèn flash kép cùng camera trước 5MP khẩu f/2.0. Dựa trên thông số, camera sau của điện thoại này có độ phân giải giống với bản Redmi Note 3 sử dụng chip Mediatek song khẩu mở của ống kính lớn hơn chút, giống với khẩu của camera sau trên phiên bản Redmi Note 3 Pro dùng chip Qualcomm. Còn camera trước của Redmi Note 4 và cả hai phiên bản Redmi Note 3, Note 3 Pro đều giống nhau ở các thông số, có lẽ là cùng module như nhau.
Do mới sử dụng máy trong thời gian chưa lâu, nên chúng tôi mới chỉ thử chụp một số ảnh từ camera của máy. Bối cảnh chụp là khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm vào ngày thu thời tiết nhiều mây, hơi âm u. Cảm nhận ban đầu là máy có tốc độ lấy nét và chụp nhanh ở chế độ tự động, còn bật HDR thì hơi chậm mất khoảng 1-2 giây. Tuy vậy, chế độ HDR tạo sự khác biệt rõ nét về độ tương phản cho bức ảnh. Những nhận định sâu hơn về camera sẽ gửi đến bạn đọc trong bài đánh giá chi tiết trong vài ngày tới.
Ảnh tự động
Ảnh ở chế độ HDR
Ảnh ở chế độ tự động
Ảnh ở chế độ HDR
Ảnh ở chế độ tự động
Ảnh ở chế độ HDR
Trên đây là vài đánh giá ban đầu về Redmi Note 4 sau thời gian sử dụng ngắn. Các đánh giá chi tiết sẽ được gửi tới bạn đọc trong vài ngày tới. Nhìn chung, máy đã có những cải thiện rất tích cực về thiết kế, chất lượng hiển thị của màn hình và hiệu năng.