Các mẫu điện thoại Xiaomi hiện có giá bán trung bình tăng lên tới 13,3% ở thị trường Trung Quốc, và khoảng gần 7% ở các thị trường khác, theo số liệu thống kê gần đây. Vậy điều gì đã xảy ra? Phải chăng giá rẻ không còn là tôn chỉ hoạt động của Xiaomi?
Bí quyết điện thoại “ngon-bổ-rẻ” để hút khách
Đối với nhiều tín đồ công nghệ tại Việt Nam, nhắc đến Xiaomi là nhắc đến một thương hiệu đã đập tan những định kiến về điện thoại “Made in Trung Quốc” vốn luôn bị coi là hàng giá rẻ nhưng kém chất lượng, dễ bị hỏng. Với hãng công nghệ đến từ Trung Quốc, cấu hình cao, giá bán cạnh tranh chính là bí quyết để “Apple của Phương Đông” từ con số ‘0’ trở thành hãng điện thoại lớn trên thế giới chỉ sau 9 năm hoạt động.
Cũng như nhiều thương hiệu Trung Quốc khác, Xiaomi đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng nhờ vào các sản phẩm có mức giá rẻ. Tuy nhiên, rẻ không đồng nghĩa với chất lượng thấp. Các sản phẩm của hãng đều được đầu tư rất bài bản từ thiết kế bên ngoài cho đến linh kiện bên trong.
Cụ thể, chỉ với số tiền từ 2-3 triệu, người dùng Việt Nam đã có thể mua được một chiếc smartphone có hiệu năng trên giá thành (p/p) cực tốt, với cấu hình mạnh tương đương với những mẫu điện thoại đến từ thương hiệu nhưng lại có giá bán rẻ chỉ bằng 1/3.
Giá bán của Mi 9 cao hơn hẳn so với mẫu máy tiền nhiệm
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong vài năm trước. Bước sang thời điểm 2019, giá bán smartphone của Xiaomi đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, Mi 9 có giá khởi điểm khi ra mắt là khoảng 2.999 Nhân dân tệ (10.3 triệu) cao đáng kể so với sản phẩm tiền nhiệm Mi 8 vốn có mức giá 2.099 tệ.
Chi tiết hơn, các mẫu smartphone Xiaomi hiện có giá bán trung bình tăng lên tới 13,3% ở thị trường Trung Quốc, và khoảng gần 7% ở các thị trường khác, theo số liệu thống kê gần đây.
Vậy điều gì đã xảy ra? Phải chăng giá rẻ không còn là tổn chỉ hoạt động của Xiaomi?
CEO Lei Jun và nỗ lực rũ bỏ mác điện thoại giá rẻ
Trên thực tế, việc thay đổi về giá bán thực tế không phải là chiến lược của riêng Xiaomi. Thay vào đó, đây là một xu hướng chung của các hãng điện thoại “made in China” khác như Huawei, Vivo, Oppo trong những năm gần đây. Khi các nhà sản xuất từ quốc gia tỷ dân từ bỏ chiến lược “đã rẻ lại còn xịn”, mức giá trung bình của các dòng smartphone Xiaomi nói riêng và các mẫu smartphone từ Trung Quốc nói chung đang tiệm cận dần tới giá bán trung bình của các đối thủ cạnh tranh như Samsung.
Thời đại tăng trưởng “nóng” bằng các sản phẩm “phá giá cấu hình” sẽ phải có lúc kết thúc. Những chiếc smartphone giá rẻ từ chỗ là công cụ gia tăng thị phần sẽ trở thành nhân tố có hại cho sự phát triển của các hãng. Cụ thể, theo số liệu nghiên cứu được Strategy Analytics thực hiện, mức giá trung bình của các mẫu smartphone Trung Quốc đã có xu hướng tăng lên đáng kể ngay từ thời điểm 2017. Điều này được thể hiện rõ ở việc các nhà sản xuất thay vì chỉ tập trung ở phân khúc giá rẻ, đã bắt đầu đẩy mạnh việc ra mắt quảng cáo các model trung và cận cao cấp
Xiaomi Mi9 – quân bài chủ lực cạnh tranh phân khúc cao cấp của Xiaomi
Với riêng Xiaomi, bước ngoặt của việc thay đổi đến từ mốc thời gian 25/4/2018 – thời điểm hãng công nghệ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Còn nhớ vào thời điểm đó, CEO Leijun của Xiaomi đã khiến hàng chục nghìn Mifan “mát lòng mát dạ” qua lời hứa đầy mạnh mẽ, khi hãng sẽ vĩnh viễn (hay mãi mãi) giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận thuần sau thuế không quá 5% trên tất cả các dòng sản phẩm như smartphone, IoT và đồ gia dụng Xiaomi. Công ty chấp nhận lãi ít, người dùng rõ ràng sẽ là bên được hưởng lợi, như cách họ vẫn được Xiaomi đối xử từ trước đến nay.
Ông Lei Jun và lời hứa giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận không quá 5%
Tuy nhiên, vẫn có không ít tín đồ của Xiaomi khi đó đã bày tỏ sự nghi ngờ của mình trước lời hứa trên của Lei Jun và coi đây là một chiêu trò nhằm xoa dịu những phản hồi tiêu cực khi hãng tiến hành IPO. Vậy mãi mãi ở đây là bao lâu?
Câu hỏi này đã có câu trả lời – tiếc là mãi mãi ấy chỉ vỏn vẹn chưa đến 1 năm. Cũng chính vị CEO này trong một bài phỏng vấn vào tháng 3 năm nay đã tiết lộ rằng, smartphone Xiaomi trong tương lai sẽ có giá đắt hơn hiện tại. Đây là những nỗ lực nhằm mục đích “định vị lại thương hiệu Xiaomi từ một nhà sản xuất smartphone giá rẻ trở thành thương hiệu di động cao cấp”, qua đó xóa bỏ ấn tượng của người dùng về một thương hiệu giá rẻ.
Kể từ khi IPO vào năm 2018, giá trị cổ phiếu của Xiaomi liên tục sụt giảm khiến hãng chịu rất nhiều sức ép từ phía nhà đầu tư. Đáng chú ý, mặc dù tự gọi mình là “công ty internet”, phần lớn doanh thu của Xiaomi trong mắt các nhà đầu tư vẫn đến từ kinh doanh phần cứng. Bản thân việc kinh doanh smartphone của hãng đều đến từ những sản phẩm có giá thành thấp. Và chính những nhà đầu tư này lại không hề thích con số tỷ suất lợi nhuận 5%.
Với CEO Lei Jun, Mifan quan trọng, nhưng nhà đầu tư cũng quan trọng không kém
Giá bán thay đổi thực ra là vì người dùng muốn thế?
Sự thay đổi là lẽ tất yếu, nhưng Xiaomi lại giống như đang đứng giữa hai dòng nước. Một mặt, hãng phải làm hài lòng những nhà đầu tư của mình bằng cách tạo ra các sản phẩm cao cấp, có giá bán bằng hoặc thấp hơn không nhiều so với các sản phẩm cạnh tranh cùng phân khúc, từ đó mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn mốc 5%. Mặt khác, Xiaomi cũng không muốn làm mếch lòng cộng đồng Mifan đông đảo vốn yêu thích các sản phẩm của hãng vì yếu tố “giá rẻ cấu hình ngon”.
Để giải quyết, Xiaomi tạo ra những thương hiệu con như Pocophone, đồng thời tách thương hiệu Redmi ra hoạt động riêng để có thể tiếp tục làm điện thoại giá rẻ cấu hình cao trong tương lai. Đây cũng được coi là bước đệm để Xiaomi dễ dàng tập trung hơn trong việc nghiên cứu, sản xuất những mẫu điện thoại cao cấp thuộc thương hiệu flagship “Mi”.
Giá trị của Xiaomi “ngủ đông” trong khi các công ty công nghệ lớn lại tăng vọt
Cũng phải nói thêm, giá bán tăng lên cũng tạo điều kiện cho Xiaomi mang đến nhiều phiên bản điện thoại hơn, có phần cứng và tính năng cao cấp hơn. Trên thực tế, người dân Trung Quốc đang ngày càng chịu chi khi mua sắm các sản phẩm công nghệ. Rõ ràng là nhu cầu tại Đại Lục đã thay đổi. Tần suất người dùng mua mới điện thoại ngày một ít đi, nhưng tiền bỏ ra thì ngày một dư dả hơn. Việc mua những chiếc điện thoại giá rẻ “dùng tạm”, sau đó nâng cấp lên máy mới mạnh hơn không còn phổ biển. Thay vào đó, họ sẽ lựa chọn một chiếc điện thoại có cấu hình tốt, nhiều tính năng để sử dụng trong một thời gian dài mà không cần bận tâm việc có phải nâng cấp hay không.
Để đáp ứng nhu cầu trên, Xiaomi sẽ buộc phải thay đổi, buộc phải xóa bỏ cái dớp “giá rẻ” để có thể tiếp tục bành trướng trong tương lai. Tất nhiên, những con số sẽ không biết nói dối. Liệu rằng MiFan đã nhận ra rằng, điện thoại Xiaomi ngon-bổ-rẻ mà họ từng yêu thích năm xưa đang ngày càng đắt đỏ hơn hay chưa?